Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.
Từ ngày 10 đến 20 tháng 6 âm lịch hằng năm, nhân dân Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh lại nô nức mở lễ hội, trong đó chính hội ngày 18 tháng 6 để kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của danh tướng Trần Khánh Dư.
Trần Khánh Dư là danh tướng thời nhà Trần nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà nước Đại Việt. Tuy nhiên, trong các vị tướng tài từng phò giúp dưới trướng của hai vua Trần và quyền Tiết chế của Quốc công Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thì Trần Khánh Dư cũng là viên tướng có tính cách phức tạp nhất, và cũng "đời" nhất.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết, cuối năm 1287, khi quân dân cả nước chuẩn bị đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được Hưng Đạo vương cử làm Vân Đồn phó tướng, giao hết công việc ở biên thùy cho. Tuy nhiên, khi quân Nguyên theo đường biển tiến vào, Khánh Dư đánh trận đầu bị thua.
Thượng hoàng Trần Thánh Tông nghe tin, sai trung sứ giải Khánh Dư về kinh đô. Khánh Dư bảo trung sứ rằng: "Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin cho hoãn ba ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn".
Trung sứ nghe theo lời xin. Khánh Dư đoán biết là quân giặc đi rồi, thuyền lương tất theo sau, bèn thu nhặt quân còn lại để đợi. Không lâu, thuyền chở lương của giặc do Trường Văn Hổ chỉ huy quả nhiên đến. Khánh Dư đem quân ra đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không kể xiết, bắt sống quân giặc rất nhiều. Sử nước ta ghi đoàn thuyền của Trương Văn Hổ chở tới 70 vạn hộc lương, mà số chạy thoát được chẳng là bao.
Trung sứ chạy ngựa về tâu với hai vua, Thượng hoàng tha tội trước của Khánh Dư không hỏi đến và nói: "Quân Nguyên chỉ nhờ về lương cỏ khí giới, nay ta đã bắt được, sợ nó chưa biết tin, hoặc giả còn hung hăng chăng?".
Thượng hoàng bèn tha cho người bị bắt đến doanh quân Nguyên để báo tin. Quả nhiên quân Nguyên rút lui. Cho nên ở cuộc chiến năm này, nhân dân ta không bị thảm họa như năm trước là Khánh Dư cũng dự công.
Tuy ghi nhớ công trạng của Trần Khánh Dư, nhưng sử nhà Trần cũng ghi lại rất nhiều tật xấu của ông. Trước đó, trong cuộc kháng chiến đầu tiên năm 1258, khi quân Nguyên sang cướp, Khánh Dư nhân chỗ sơ hở đánh úp, được Thượng hoàng khen là có trí lược, cho làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Sau đó, Khánh Dư đánh người Man ở núi thắng to, được phong làm Phiêu kỵ đại tướng quân, là chức chỉ dành cho các hoàng tử.
Nhờ có công, Khánh Dư lần lượt được thăng từ tước hầu lên đến tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ.
Tuy nhiên, Trần Khánh Dư lại bị ghi vào sử sách với hành động xấu là thông dâm với công chúa Thiên Thụy, vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn - con trai Hưng Đạo vương. Vua sợ phật ý Hưng Đạo vương, mới sai đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại dặn chớ đánh quá đau để không đến nỗi chết.
Sau khi xử tội mà Khánh Dư vẫn bảo toàn tính mạng, Thượng hoàng xuống chiếu cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp của Khánh Dư, không để lại tí gì. Duy có châu Chí Linh vốn là của riêng của cha Khánh Dư là Thượng tướng Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới được quyền giữ lại. Khánh Dư bèn lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than.
Đến khi vua Trần triệu tập các vương hầu về dự hội nghị Bình Than năm 1882, vua bất ngờ thấy Khánh Dư bơi thuyền bán than trên sông, bèn cho người triệu gọi, đến lúc đó, Khánh Dư vẫn còn thể hiện khẩu khí rất ngông nghênh, bảo với sứ giả rằng "Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến!".
Khánh Dư khi được triệu lên thuyền vua, vua Nhân Tông thấy khổ cực, mới xuống chiếu tha tội. Khi bàn công việc chuẩn bị chống quân Nguyên, Khánh Dư nói nhiều câu đúng ý vua, nên được phong làm Phó đô tướng quân.
Về vấn đề quan hệ nam nữ, thì cũng nhiều quý tộc, vương hầu của triều Trần cũng thường xuyên có những vụ việc như vậy, nên có lẽ nhờ đó mà Trần Khánh Dư không bị tẩy chay. Bằng chứng là khi Hưng Đạo vương viết cuốn binh pháp Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đã nhờ Trần Khánh Dư làm bài tựa.
Mặc dù vậy, thì nhiều tính xấu của vị tướng này vẫn không thoát khỏi bút mực của các sử quan.
Như việc khi ông trấn thủ Vân Đồn, đã ra lệnh cho quân đóng ở đây phải đội nón Ma Lôi để phân biệt với người phương Bắc. Trước đó, ông đã sai người nhà mua nón Ma Lôi đậu sẵn thuyền trong cảng rồi. Sau khi hạ lệnh, Khánh Dư lại cho người phao tin rằng trong vụ biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu. Do đó, người trong doanh nối gót nhau tranh mua nón, bắt đầu giá mỗi cái nón không quá 1 tiền, sau giá được đẩy cao, mỗi cái giá một tấm vải, thu được số vải đến hàng nghìn tấm.
Chứng kiến cảnh này, khách buôn người Trung Quốc đã mừng Khánh Dư bài thơ có câu rằng "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh", nghĩa là gà chó Vân Đồn cũng đều kinh sợ, ý là kính phục uy danh, nhưng thực ra là có ý mỉa mai.
Các sử quan biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét thẳng thắn: Khánh Dư tính người tham bỉ, phàm người trong quản hạt ai cũng ghét cả. Vua Nhân Tông vì tiếc là có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.
Tật xấu của Trần Khánh Dư còn thể hiện rõ qua câu trả lời của ông với vua Trần Anh Tông: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Tuy nhiên về võ công thì Trần Khánh Dư vẫn thể hiện là tướng tài của nhà Trần. Tháng 5 năm 1312, ông theo Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trận này quân Đại Việt bắt được vua Chiêm Thành là Chế Chí đem về.
Dù những năm cuối đời, Trần Khánh Dư về trí sĩ tại vùng đất phong ở Hà Nam ngày nay, nhưng những chiến tích của ông trong cuộc kháng chiến cũng như công lao trong việc bảo vệ bình yên ở vùng địa đầu tổ quốc, giúp nhân dân Vân Đồn yên ổn làm ăn khi ông trấn nhậm vẫn được nhân dân ghi nhớ. Do đó, hằng năm, vào giữa tháng 6 âm lịch, nhân dân Vân Đồn lại tụ hội về Quan Lạn, một hòn đảo nằm ở khu trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn để kỷ niệm chiến thắng Vân Đồn năm 1288 của Trần Khánh Dư.
Lễ hội ngoài nghi lễ rước thần vị của Trần Khánh Dư từ nghè về đình, còn không thể thiếu trò bơi trải, để tái hiện những hành động luyện tập của thủy quân dưới trường Trần Khánh Dư, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ sẵn sàng chống giặc ngoại xâm của người dân vùng biển. Hoạt động này cũng là nghi lễ cầu được mùa của cư dân vùng biển Vân Đồn.
680 năm đã trôi qua kể từ ngày Trần Khánh Dư qua đời, dù những lời "kể tội" ông vẫn in đậm trong sử sách, nhưng người ta vẫn thấy ở ông một tính cách rất "đời", một cuộc đời "lên voi xuống chó" rất khác biệt so với hầu hết các vị vương hầu quý tộc thời Trần.
Và dù có nhiều tật xấu, nhưng với công lao to lớn, thì người dân vẫn không quên, để rồi suốt bao thế kỷ trôi qua, lễ hội Quan Lạn vẫn được tổ chức long trọng để ghi nhớ công ơn của một vị tướng thủy quân tài năng, người đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương và chống giặc ngoại xâm oanh liệt.
Lê Tiên Long
soha.vn
No comments:
Post a Comment