Phạm Quỳnh (1892 – 1945)
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”
Đó là câu nói hàm súc và hay nhất khi đánh giá giá trị nhân bản và nghệ thuật lớn lao của tác phẩm này từ một học giả Việt Nam. Câu nói này không những bao hàm một am hiểu sâu xa, một nhìn nhận nghệ thuật về Truyện Kiều – một áng văn chương tuyệt tác có một không hai của nền văn học nước ta – mà còn nói lên một tinh thần yêu nước cao độ và rất sâu sắc. Trong câu nói này, ta còn thấy được người phát ngôn đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hoá, nhất là văn học trong sự sống còn của một tộc người sống trong nền văn hoá đó. Ta có thể rút ra nhiều điều bổ ích nữa từ quan điểm này trong thời kì hiện nay lúc mà đang có rất nhiều lời kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc trước cao trào hội nhập và toàn cầu hoá. Vì sao truyện Kiều còn thì tiếng ta còn? Vì sao tiếng ta còn thì nước ta còn? Đó là những vấn đề rất thời thượng. Nhưng trước hết, học giả này là ai?